
Hỗ trợ là gì? Kháng cự là gì?
Đường hỗ trợ và kháng cự là một trong những công cụ cơ bản được các nhà đầu tư sử dụng để phân tích và xác định vùng biến động của giá cổ phiếu trên thị trường. Hỗ trợ là thuật ngữ dùng để chỉ các tác động giữ cho giá cổ phiếu luôn cao hơn một mức nào đó, còn kháng cự ngược lại, là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các tác động khiến cho giá cổ phiếu luôn thấp hơn một mức nhất định nào đó.
Người ta đã nghiệm ra rằng lịch sử luôn lặp lại, nếu trong quá khứ các mức giá đã từng đóng vai trò là giá kháng cự thì chúng có xu hướng sẽ lặp lại vai trò đó trong tương lai. Việc biểu diễn được các đường hỗ trợ hay kháng cự trên đồ thị cổ phiếu sẽ giúp nhà đầu tư xác định được tầm quan trọng của chúng trong quá khứ cũng như tiên liệu được các biến động trong tương lai. Khi nhận thấy thị trường đang giao dịch với mức giá gần với và hướng về các mức trên, ta có thể đưa ra một số dự báo hợp lý về giá cả cổ phiếu trong thời gian tới, từ đó có được các quyết định đầu tư cho riêng mình.
Ngưỡng hỗ trợ – kháng cự có ý nghĩa khi nào
Khi chúng ta quyết định thực hiện mua/bán cổ phiếu thì luôn luôn sẽ có một vùng giá mà chúng ta sẽ cân nhắc có việc đó. Nếu một ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ càng bị kiểm chứng nhiều lần thì ngưỡng đó càng trở nên suy yếu.
Kháng cự/ hỗ trợ nên được xem xét ở một vùng giá nhất định chứ không nên được xem xét như một điểm giá. Đôi khi có những trường hợp giá bật lại một cách đẹp mắt ngay tại đúng đường kháng cự/hỗ trợ mà bạn đã vẽ ra trước đó, tuy nhiên đó có thể là sự may mắn vì bản chất của vận động giá thì chỉ mang tính chất tương đối, do đó ngưỡng kháng cự/hỗ trợ cũng được xem là ngưỡng mang tính chất tương đối.
Sự chuyển đổi linh hoạt của kháng cự và hỗ trợ
Trong một xu hướng giảm, chỉ số hình thành những điểm kháng mạnh ở trên. Khi giá vượt qua ngưỡng kháng này thì khi đó ngưỡng này lại quay trở lại đóng vai trò trở thành ngưỡng hỗ trợ. Trong trường hợp giá kiểm chứng thành công ngưỡng hỗ trợ này và tiếp tục bứt phá thì giá sẽ mở ra nhịp tăng mới.
Ngược lại, khi giá đang trong nhịp tăng nhưng sau đó giảm mạnh vượt qua ngưỡng hỗ trợ mạnh, thì ngưỡng hỗ trợ này sẽ quay trở lại đóng vai trò là ngưỡng kháng cự. Nếu giá nổ lực hồi phục nhưng không vượt qua ngưỡng kháng cự này (ngưỡng hỗ trợ cũ) thì khả năng giá sẽ bắt đầu cho nhịp giảm mới.